5 yếu tố không thể thiếu khi kể chuyện trong thuyết trình


ADMIN - 01/11/2018 - 0 comments

Hãy tưởng tượng bạn phải lên nội dung cho một bài thuyết trình, và bạn muốn nó phải thật cuốn hút và hấp dẫn bằng cách áp dụng nghệ thuật kể chuyện (storytelling). Một ý định rõ ràng rất thiện chí, và chứng tỏ là bạn thực sự biết “cập nhật xu hướng” đấy. Nhưng mà, bạn phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Làm thế nào để kể được 1 câu chuyện chỉ bằng các slides Powerpoint? Thật ra rất đơn giản, bạn chỉ cần vạch ra 5 yếu tố cơ bản nhất của storytelling, và rồi sẵn sàng sắp xếp chúng lại vào bài thuyết trình của bạn.

5 yếu tố khi kể truyện lúc thuyết trình

1. Nhân vật chính

Bạn sẽ cần có một nhân vật chính – một “người hùng” như trong bất cứ một câu chuyện nào. Điều khác biệt là ở chỗ trong một bài thuyết trình, “nhân vật chính” không nhất thiết phải là “nhân vật” – đó có thể là một ý tưởng, một công cụ, như là sản phẩm kinh doanh của bạn chẳng hạn.

Khi giới thiệu về “nhân vật chính”, bạn không cần phải đưa chữ lên slide. Hãy sử dụng hình ảnh của nhân vật/ý tưởng, hoặc chỉ dừng lại ở 1-2 từ miêu tả để khán giả của bạn có thể hình dung ra nhân vật là được.

2. Kẻ phản diện

Trong bất kỳ một câu chuyện nào, mâu thuẫn cũng là yếu tố không thể thiếu để tạo nên sức hấp dẫn. Khi đã có “anh hùng”, ta sẽ cần một kẻ phản diện. Tương tự, bạn cũng chỉ cần mô tả kẻ phản diện bằng hình ảnh, hoặc vài từ khái quát. Kẻ phản diện cũng không nhất thiết phải là một nhân vật xấu xa. Đó có thể chính là những khó khăn mà công ty bạn đang gặp phải, những nguy cơ mà thị trường phải đối mặt nếu như sản phẩm của bạn không thành hiện thực,… Điều quan trọng là hãy tách biệt “Nhân vật anh hùng” và “Kẻ phản diện” bằng những đặc trưng rõ rệt, đảm bảo rằng khán giả của bạn biết là mình nên làm gì: đứng về phe ai, và nên chống lại ai.

3. Bối cảnh

Nếu như trong một bộ phim, đạo diễn phải xây dựng hình ảnh cánh rừng, sa mạc hay biển cả; trong trang sách nhà văn lại gợi lên khung cảnh đó bằng ngôn từ mô tả hoa mĩ, thì trong bài thuyết trình bạn cũng phải thể hiện được “cái nền” đó của câu chuyện. Bối cảnh cho phép khán giả trả lời được những câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu? Tôi cần phải biết gì về tình trạng hiện nay? Đó chính là điểm xuất phát cho mâu thuẫn giữa “người hùng” và “kẻ phản diện”, cho phép khán giả có những kỳ vọng và cảm xúc nhất định về câu chuyện bạn sắp kể. Ví dụ, bạn cung cấp một giải pháp có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm gần các nhà máy. Bằng cách mô tả tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng tại khu vực này thông qua hình ảnh và ngôn ngữ, bạn đang đưa khán giả của bạn vào đúng trạng thái cảm xúc cần có rồi đấy.

4. Hành trình

Mạch truyện của bạn sẽ kể lại những “cuộc chiến”, những khó khăn bạn gặp phải, những động lực bạn có được trong suốt cuộc hành trình. Hãy lấy đó làm nội dung chính cho bài thuyết trình của bạn. Kể lại cho khán giả của bạn nghe vì sao “người hùng” xứng đáng có được “happy-ending”, phản biện lại điều đó, hoặc đơn giản là để một cái kết mở bằng cách đặt câu hỏi như: “Liệu ý tưởng này có cơ hội tồn tại trong thị trường hiện nay hay không?” Mục đích của hành trình này là dẫn dắt khán giả đi suốt bài thuyết trình, qua những “thăng trầm” của “người anh hùng” trước khi đi đến phần cuối cùng…

5. Kết luận

Mỗi câu chuyện, dù là ở phim hay sách thì đều phải có một cái kết. Bài thuyết trình của bạn cũng vậy. Hãy chỉ cho khán giả của bạn phải làm gì tiếp theo: hãy cho phép khán giả liên kết với câu chuyện của bạn. Nếu như bạn muốn khán giả đầu tư vào dự án để cho “người anh hùng” chiến thắng “kẻ phản diện”, hãy đề đạt điều đó. Thể hiện điều đó thật rõ ràng ở những slide cuối cùng.

Bằng cách lên ý tưởng được cho 5 yếu tố này, bạn đã có được một câu chuyện thú vị để sẵn sàng thuyết trình rồi đấy. Hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ sót bất kỳ yếu tố nào, nếu không rất có thể bài thuyết trình của bạn sẽ gặp khiếm khuyết nghiêm trọng đấy.

Nguồn: Ethos3

Related posts

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments