6 bước “thành công” trong giao tiếp ý tưởng


ADMIN - 25/05/2016 - 0 comments

Làm thế nào để bài thuyết trình không trôi tuột khỏi trí nhớ người nghe sau một chớp mắt? Có phải một bài thuyết trình ấn tượng chỉ bởi ý tưởng ban đầu của nó thú vị, hay hoàn toàn có thể được truyền tải một cách thông minh để càng trở nên thú vị? Những thông điệp sống mãi với thời gian – những bài học lớn về giao tiếp ý tưởng – đều có những điểm chung, mà hôm nay SLIDE FACTORY sẽ chia sẻ với bạn.

1. Simplicity (Sự đơn giản)

giao tiếp ý tưởng 01

Theo như tác giả của cuốn truyện Hoàng tử bé nổi tiếng, “sự hoàn hảo không phải là khi không thể thêm được gì, mà là không thể rút bớt được điều gì đi nữa”. ãy đảm bảo rằng khi giao tiếp ý tưởng, bạn đang giao tiếp được điều cốt lõi nhất trong ý tưởng của bạn.

Sở dĩ chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm ra trọng tâm, là bởi chúng ta không dám đánh đổi cho sự “ưu tiên”. Giữa rất nhiều thứ “hữu ích” và “quan trọng”, thật khó có thể đưa ra sự phân biệt rạch ròi. Nhưng cũng bởi lí do đó mà ta thường hay ôm đồm cả những thứ không thực sự cần thiết. Hãy chắt lọc các ý tưởng tới mức tối quan trọng, lọc bỏ những yếu tố gây nhiễu và rối rắm; giữ lại những gì tinh túy và sâu sắc nhất.

Một thông điệp ấn tượng là một thông điệp ngắn gọn nhưng sâu sắc tới nỗi bất kỳ cá nhân nào cũng có thể từ đó triển khai được kế hoạch hành động, và hành động theo đó suốt đời.

2. Unexpectedness (Sự bất ngờ)

giao tiếp ý tưởng 02

Làm thế nào để thu hút được sự chú ý của người khác? Đơn giản, ta chỉ cần tạo ra sự bất ngờ. Nhưng sự bất ngờ không nhất thiết đồng nghĩa với một mở màn hoành tráng với quá nhiều những điều to tát. “Bất ngờ” là đi ngược lại những suy nghĩ thường có, phản bác những niềm tin phổ biến, những linh cảm có sẵn trong con người. Rõ ràng là người ta sẽ hứng thú điều tra ca tử vong của một người trẻ hơn là sự đột ngột ra đi của một cụ già 90 tuổi. Sự thật thì, nếu như bạn nói với người khác những gì họ đã biết, tại sao họ phải mất công lắng nghe và ghi nhớ những lời của bạn?

Tuy nhiên, thu hút sự chú ý chưa phải là tất cả. Chúng ta sử dụng yếu tố bất ngờ để thu hút sự chú ý, nhưng điều bất ngờ không kéo dài. Hãy duy trì sự hứng thú của người xem bằng cách liên tục khuấy động trí tò mò và đưa ra những ẩn số. Hãy chỉ cho khán giả của bạn biết sai lầm trong kiến thức của họ như một cách gây ngạc nhiên, khiến họ phải “nheo mắt cau mày” để theo dõi kĩ hơn những gì bạn sẽ truyền tải, và chỉ thỏa mãn thắc mắc của họ ở phút chót. Một thông điệp cốt lõi xuất hiện bất ngờ sẽ khiến thông điệp của bạn “bám rễ” trong trí nhớ của người khác.

3. Concreteness (Sự cụ thể)

giao tiếp ý tưởng 04

Hãy nhớ lại điểm chung của những câu ca dao tục ngữ lâu đời: người xưa đều rất chuộng lối nói tượng hình như “có công mài sắt có ngày nên kim”, “một cây làm chẳng lên non – ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Thay vì sử dụng ngôn ngữ trừu tượng – một thứ hàng xa xỉ dành cho các chuyên gia, hãy khiến bài thuyết trình của bạn sống động bằng những hình tượng thật cụ thể. Ví dụ, “cậu sinh viên giỏi” là một khái niệm trừu tượng. “Cậu sinh viên với GPA 3.8” là một khái niệm cụ thể. Điều ta cần làm chỉ là hữu hình hóa ý tưởng, như xây dựng nên một cá nhân nhất định đang thực hiện một việc nhất định. Càng cụ thể, càng hữu hình, ý tưởng của bạn càng đáng dễ hình dung, càng đáng tin cậy và đảm bảo được tất cả mọi người đều hiểu đúng ý bạn nói.

4. Credibility (Sự chứng nhận)

giao tiếp ý tưởng 03

Bạn tin vào sự chứng nhận. Như cách bạn tin về lời khuyên của một nha sĩ về vấn đề răng miệng, hay tin vào loại dầu gội mà cô bạn thân của bạn vừa hết lời khen. Ý tưởng của bạn sẽ trở nên đáng tin hơn, khi có sự chứng nhận của người thứ 3.

Bên cạnh sự chứng nhận của chuyên gia, người nổi tiếng hay người thân – vốn không phải lúc nào cũng có thể tận dụng được trong các trường hợp giao tiếp ý tưởng, còn một dạng chứng nhận khác, là đưa ra một nhân chứng sống. Trong nhiều trường hợp, nhân chứng sống ấy có thể chính là khán giả của bạn. Hãy đặt một câu hỏi cho phép khán giả có thể tự soi chiếu bằng trải nghiệm bản thân.

5. Emotions (Cảm xúc)

giao tiếp ý tưởng 05

Mẹ Teresa từng nói: “Nếu tôi nhìn vào tập thể, tôi khó lòng hành động. Nhưng nếu tôi nhìn vào cá nhân thì tôi sẽ hành động.” Chúng ta thường có xu hướng dè dặt hơn nếu phải quyên góp cho cả một đất nước đang gặp thiên tai, so với việc giúp đỡ một cá nhân cụ thể trong hoàn cảnh tương tự. Bởi như đã nói, sự trừu tượng khó tạo nên cảm xúc. Mà cảm xúc thúc đẩy hành động. Hãy khơi gợi những cảm xúc trong các khán giả của bạn: bằng cách tận dụng từ yếu tố màu sắc, hình khối chủ đạo, phong cách thuyết trình… Và quan trọng nhất, hãy cho phép khán giả trở thành một phần trong bài thuyết trình, bằng cách liên hệ họ tới các câu chuyện cụ thể, những điều thiết thực và sát sườn nhất với cuộc sống của họ.

6. Stories (Câu chuyện)

giao tiếp ý tưởng 06

Chuyện kể là ngôn ngữ cơ bản của trí nhớ, bởi chuyện kể được xây dựng theo tình tiết, và chúng khơi dậy cho chúng ta trí tò mò về “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Không những vậy, khi lắng nghe một câu chuyện, không một khán giả nào còn bị động. Chúng ta đều được phép hóa thân vào câu chuyện để tự trải nghiệm các tình tiết và cảm nhận những cung bậc khác nhau của cảm xúc.

Nếu là một độc giả trung thành của SLIDE FACTORY, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ rất nhiều những chia sẻ gần đây của chúng tôi về Nghệ thuật kể chuyện (Storytelling). Đừng quên vận dụng chúng vào bài thuyết trình để lôi cuốn khán giả của mình theo từng chi tiết.

Trên đây là 6 tiêu chí theo “công thức thành công” (S-U-C-C-E-S-S) để đánh giá một nội dung hiệu quả và đi vào tâm trí khán giả. Chúng hoàn toàn có khả năng áp dụng trong mọi lĩnh vực đời sống: bạn có thể thử liên hệ chúng tới bất kỳ một quyển sách, một bộ phim, một đoạn quảng cáo, hay một bài giảng của giáo viên. SLIDE FACTORY hy vọng rằng bên cạnh quá trình hỗ trợ, tư vấn cho các bạn tối ưu hóa hình ảnh, sẽ có thể chia sẻ cùng các bạn nhiều bí kíp hoàn thiện nội dung hơn nữa.

Nguồn: Made To Stick – Dan & Chip Heath

Related posts

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments