6 cách tạo mâu thuẫn trong thuyết trình kể chuyện


ADMIN - 08/07/2016 - 0 comments

Mâu thuẫn là một trong những yếu tố không thể thiếu nếu như bạn muốn tạo nên một câu chuyện hay từ bài thuyết trình của mình. Victoria Lynn Schmidt, Thạc sĩ, tác giả cuốn Story Structure Architect đã mổ tả 6 dạng thức của mâu thuẫn thường được sử dụng bởi giới nhà văn để có thể xây dựng được một mạch truyện có mở thắt. Dưới đây là diễn giải chi tiết của 6 cách thức này, kèm theo hướng dẫn áp dụng chúng trong hoạt động thuyết trình.

Mâu thuẫn trong thuyết trình kể chuyện

1. Xung đột mối quan hệ

Theo Victory, xung đột mối quan hệ nảy sinh giữa hai người có theo đuổi hai mục tiêu mà mục tiêu của người này mâu thuẫn với mục tiêu của người kia.

Ví dụ như trong bộ phim nổi tiếng Love Actually, 8 cặp đôi khác nhau, mỗi cặp đôi lại phải đối mặt với những rắc rối khác nhau trong chuyện tình cảm. Trong đó có một cặp đôi mới cưới, họ cùng có chung một anh bạn và anh bạn này lại đang theo đuổi mối tình đơn phương vô vọng với người vợ. Để có thể che giấu cảm xúc của mình, anh bạn đã liên tục tránh mặt cô vợ – khiến cho đôi vợ chồng nghĩ rằng anh ta có mâu thuẫn gì đó. Cảnh quay dưới đây đã thể hiện một mâu thuẫn trong mối quan hệ – lợi ích tình cảm của người bạn vấp phải mâu thuẫn với lợi ích tình cảm của người phụ nữ. Nếu như người phụ nữ bỏ chồng theo người bạn thì cô sẽ mất đi mối quan hệ với người chồng – trong khi đó người bạn lại đạt được sự thỏa mãn lớn nhất.

Một đoạn trích trong phim Love Actually

Giả sử bạn phải chuẩn bị cho một bài thuyết trình về những lợi thế công ty thể hình của bạn có so với những công ty khác trong ngành, bạn có thể tiếp cận vấn đề một cách sáng tạo thông qua xây dựng mâu thuẫn quan hệ: một yếu tố tiêu cực nào đó ảnh hưởng tới khả năng luyện tập của khách hàng; và công ty của bạn sẽ chính là giải pháp giải quyết tình thế đó.

2. Mâu thuẫn hoàn cảnh

Loại mâu thuẫn này đặt con người trong sự đối lập với thiên nhiên hay môi trường xung quanh.

Đây là loại hình cực kỳ lý tưởng đối với những bài thuyết trình trong nội bộ công ty, khi đề đạt những cải tiến nhằm tăng năng suất hay tăng doanh thu. Bạn có thể sử dụng kiểu kể chuyện “Hành trình của anh hùng” để khắc họa những rắc rối gặp phải, và đề xuất phương án giải quyết – chính là dự án của bạn. Ví dụ, công ty (người hùng) đang gặp phải 3 vấn đề: tốc độ phát triển sản phẩm chậm, liên tục mất doanh thu qua mỗi quý, và đạo đức nghề nghiệp của công nhân thấp. Trình bày lần lượt từng thách thức này song song với giải pháp cho tới khi “người hùng” “tiêu diệt” được mọi trở ngại trên hành trình của mình.

3. Mâu thuẫn nội tại

Trong một mâu thuẫn nội tại, một cá nhân sẽ phải trải qua những cuộc đấu tranh với chính mình.

Bạn có thể lồng ghép một câu chuyện về trải nghiệm cá nhân bạn trong quá trình thuyết trình – điều này không chỉ giúp bạn kết nối với khán giả tốt hơn, mà còn rất phù hợp trong những tình huống lẽ ra khó xây dựng được mâu thuẫn. Ví dụ bạn đang phải thuyết trình về sản phẩm giày tập của công ty với các khách hàng lạ. Bạn có thể bắt đầu bằng một câu chuyện cá nhân, về việc bản thân bạn đã gặp những rắc rối ra sao trong việc chọn một đôi giày tập ưng ý, và sản phẩm này đã giúp bạn giải quyết vấn đề như thế nào. Việc làm này theo một cách nào đó khiến khán giả tin tưởng hơn, bởi bạn chính là một “nhân vật trải nghiệm”.

conflict

Trong con người bạn luôn mong mỏi một câu chuyện hay có anh hùng, có kẻ xấu và một mâu thuẫn chờ được giải quyết

4. Mâu thuẫn giả tưởng

Ví dụ bạn đang phải chuẩn bị cho bài thuyết trình ra mắt sản phẩm và dịch vụ mới. Bạn có thể bắt đầu bài thuyết trình bằng việc diễn tả thực tế thế giới đang như thế nào khi không có sản phẩm và dịch vụ của bạn. Hiện trạng này kéo theo những rắc rối gì? Công ty của bạn tìm ra cách giải quyết như thế nào. Mô tả sản phẩm và dịch vụ. Mô tả một thế giới khi đã tồn tại sản phẩm và dịch vụ này. Sự ra đời của sản phẩm dịch vụ kéo theo những hệ quả gì? Làm thế nào và vì sao sản phẩm dịch vụ này có thể thay đổi cuộc sống của những người đang lắng nghe bài thuyết trình của bạn? Một mâu thuẫn giả tưởng sẽ đem lại cho bài thuyết trình sắc thái bí ẩn và đầy hấp dẫn.

5. Mâu thuẫn từ số phận

Nghe có vẻ hơi kì quặc nhưng thực ra ví dụ cho loại mâu thuẫn từ thế lực siêu nhiên lại hết sức gần gũi, đặc biệt có khả năng áp dụng với những bài thuyết trình truyền cảm hứng hay về hoạt động tâm linh. Người thuyết trình có thể đặt khán giả trong vai trò như nhân vật chính, và rồi ây dựng cho họ một tư tưởng rằng việc hoạt động theo lý tưởng, theo giải pháp mà bạn muốn đề đạt trong khi thuyết trình chính là số phận của họ, và họ nên tuân theo.

6. Mâu thuẫn xã hội

Mâu thuẫn xã hội nảy sinh khi một cá nhân gặp rắc rối với một nhóm người nào đó. Trong thuyết trình, đó có thể là một trải nghiệm cá nhân của người nói, hoặc là một trải nghiệm của một khách hàng với sản phẩm của đối thủ mà không đem lại kết quả tốt đẹp (sau đó, cũng người này trải nghiệm sản phẩm của công ty bạn và cảm thấy hài lòng với những gì được phục vụ).

Bất kỳ câu chuyện nào cũng cần có một mâu thuẫn. Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của người nghe, không cách nào lý tưởng hơn đặt họ vào một tình huống khó, cho họ tự trải nghiệm cảm giác loay hoay trong mâu thuẫn và cuối cùng “cứu rỗi” họ bằng giải pháp bạn có. Những câu chuyện luôn luôn hấp dẫn hơn, bởi vậy đừng quên áp dụng những kĩ thuật kể chuyện trong bài thuyết trình của bạn. 

Nguồn: Ethos3

Related posts

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments