Đã bao giờ bạn đứng trong một căn phòng lớn trước rất đông khán giả, cảm thấy vô cùng bối rối khi câu hỏi của mình vừa đặt ra rơi tõm vào khoảng không và không nhận được sự phản ứng nào? Hay đã bao giờ bạn, dưới vai trò là một khán giả, cảm thấy tội nghiệp cho anh bạn thuyết trình phía trên kia, người đang phải nài nỉ mọi người tham gia cùng trao đổi. Những tình huống trớ trêu này bản chất là một sự “lệch pha” giữa người thuyết trình và khán giả, và cách giải quyết tốt nhất là nhìn thật sâu vào nhu cầu khán giả, kích thích động cơ bên trong của họ.
1. Tác động vào nhiều loại động cơ
Theo các chuyên gia tâm lý, con người có thể bị kích thích hành động cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Ví dụ như khi tham gia vào một cuộc chạy thi, động cơ của bạn có thể là giải thưởng lớn (động cơ bên ngoài) hoặc cũng có thể bạn chỉ đơn thuần là thích cảm giác tự chinh phục giới hạn bản thân (động cơ bên trong). Khi bạn quyết định sẽ ăn kiêng thì động cơ có thể đến từ việc bạn muốn mặc vừa chiếc quần jeans mới mua, hoặc cũng có thể do bạn chỉ muốn một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Tương tự, khi một người thuyết trình muốn lôi kéo khán giả, anh ta sẽ cần phải tạo ra cả những động cơ bên ngoài và kích thích động cơ bên trong.
Lời khuyên đặt ra là trong những hoạt động thuyết trình, hỏi đáp, thảo luận, hãy chuẩn bị phần thưởng cho cả những cá nhân nhận kích thích từ bên ngoài và từ bên trong. Ví dụ, trước khi bắt đầu trò chơi đặt câu hỏi Đúng-Sai, hãy nói với khán giả rằng họ sẽ nhận được một phần quà gì đó (kẹo, bánh…) cho mỗi câu trả lời đúng. Đây sẽ là kích thích từ bên ngoài đối với những người chưa có kiến thức chuyên sâu về chủ đề bạn đang trình bày. Còn với những người vốn sẵn có hứng thú và hiểu biết, họ sẽ coi đây đơn thuần là một thử thách và họ muốn tham gia để khẳng định chính mình.
2. Thể hiện sự quan tâm đến khán giả
Chỉ riêng việc thể hiện cho khán giả thấy bạn thực sự quan tâm đến khán giả thì khả năng khán giả tham gia cùng với bạn đã thay đổi tích cực một cách đáng kể rồi. Điều này được chứng minh bởi Hiệu ứng Hawthorne – lần đầu tiên được phát hiện trong quá trình thí nghiệm với các công nhân nhà máy. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã thay đổi từng khía cạnh khác nhau trong một môi trường làm việc chung – từ ánh sáng, số lượng ca nghỉ, đến mức lương. Những thay đổi này diễn ra dần dần trong một thời gian và cũng cùng với đó, năng suất làm việc tăng lên.
Tuy rằng một người thuyết trình không có nhiều thời gian để bố trí bối cảnh nơi diễn ra hoạt động thuyết trình, thì anh ta vẫn có thể thể hiện được sự quan tâm tới khán giả trước, trong và sau bài thuyết trình. Những yếu tố mà người thuyết trình có thể tác động được bao gồm nhiệt độ phòng, sự sắp xếp chỗ ngồi, hay cấu trúc nội dung bài. Tháp nhu cầu Maslow cũng có thể là một lý thuyết hữu dụng mà bạn có thể tham khảo và thực hiện theo.
Khán giả của bạn cũng sẽ trải qua các tầng nhu cầu: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp xã hội, được tôn trọng và được khẳng định bản thân – và tương tự bạn cũng có thể thỏa mãn dần từng bậc nhu cầu này. Chuẩn bị cho khán giả đồ ăn, thức uống, để nhiệt độ phòng ở mức vừa phải. Tránh gây hoang mang cho khán giả bằng một bố cục trình bày rõ ràng, chắc chắn. Thể hiện sự liên kết tới khán giả bằng kĩ thuật storytelling hay tận dụng khiếu hài hước của bạn. Cho khán giả hoạt động theo cá nhân hoặc theo nhóm. Và cuối cùng, kết thúc bài thuyết trình bằng việc kêu gọi hành động, kích thích khán giả phải khám phá những tiềm năng, khả năng của bản thân hay cơ hội để phát triển thêm.
3. Giải thích rõ mục đích
Giáo sư Luật của trường Thomas Jefferson, Marybeth Herald, đã liệt kê ra một vài thủ thuật mà giáo viên có thể sử dụng để kích thích việc tham gia đóng góp xây dựng bài của sinh viên. Một trong những thủ thuật đó là “đóng vai người học”. Theo Marybeth, giáo viên phải luôn đi kèm lý do với mỗi câu hỏi mình đặt ra; còn việc của học sinh là đào sâu, khai thác câu hỏi đó.
Tương tự đối với một người thuyết trình, chiến thuật chinh phục khán giả có thể là gợi mở bài thuyết trình bằng cách giới thiệu sơ bộ cấu trúc cùng chủ đề bàn luận. Điều này không chỉ nhấn mạnh lợi ích của khán giả khi để ý đến bài thuyết trình, mà còn giúp họ đỡ hoang mang, để biết rằng mình đang và sẽ được nghe những gì.
4. Khoanh vùng mục đích
Một nghiên cứu gần đây mang tên Tâm lý học về Động cơ và Hành động đã nhấn mạnh rằng nếu thực hiện một hành động với mục đích học hỏi thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn là nhằm mục đích thể hiện.
Một người thuyết trình sẽ tận dụng kết quả nghiên cứu này như thế nào? Khoanh vùng mục đích của bài thuyết trình ngay từ đầu là tăng cơ hội học hỏi, đào sâu vào một chủ đề cho khán giả sẽ tạo điều kiện cho người thuyết trình mở những cuộc đối thoại, thảo luận, trao đổi mang tính xây dựng, thu nhận được nhiều quan điểm khác nhau và kích thích sự hứng thú của khán giả.
5. Tạo sự cạnh tranh
Một nghiên cứu năm 2014 bởi Gavin Kilduff chỉ ra rằng sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh sẽ tạo động lực thúc đẩy các vận động viên. Lý thuyết này cũng có thể được áp dụng trên “sân khấu” thuyết trình. Người thuyết trình có thể chia khán giả ra thành các cặp hoặc các nhóm, cho họ cạnh tranh với nhau để trả lời câu hỏi hoặc xây dựng bài thuyết trình.
Dù rằng tâm lý của con người là phức tạp và bạn có thể sẽ chẳng bao giờ biết được chắc chắn chính xác khán giả của bạn cần gì, nhưng những chia sẻ trên đây hy vọng cũng đã có thể hé lộ phần nào để đưa bạn đến gần những khán giả của mình hơn. Bởi lẽ chúng ta đều hiểu thuyết trình là một hoạt động hai chiều, và nó chỉ có thể thành công khi có một sự phối hợp nhịp nhàng, “đồng thanh tương ứng”.
Nguồn: Ethos3