Làm thế nào để bài thuyết trình trở nên nổi bật? (Phần 1)


Đặng Thanh Thảo - 21/02/2019 - 0 comments

Thiết kế thuyết trình hiện nay đang được sử dụng cho rất nhiều mục đích, từ báo cáo hàng tuần, tháng, quý, cho đến thuyết trình gọi vốn đầu tư, bán hàng, giới thiệu công ty, tổ chức, sản phẩm, rồi hội nghị, hội thảo, webinar hay thậm chí có những bài thuyết trình được sử dụng với các mục đích cá nhân như xin việc, xin học bổng, và kể cả tỏ tình,… nói chung, phương thức truyền đạt thông tin dưới sự hỗ trợ của slide đang dần trở thành hiển nhiên khi người ta nhắc đến hai chữ “thuyết trình”.

Chắc hẳn, nhiều người cũng nghĩ như tôi khi mới tiếp xúc với ngành này, đã mất công thiết kế phần nhìn, ai chẳng muốn nổi bật. Tuy nhiên, thực tế công việc lại chứng tỏ cho tôi một điều rằng, phần đa trong số những bài thuyết trình chúng tôi thực hiện cho khách hàng, yếu tố nổi bật không được đặt lên hàng đầu. Việc bạn cố sức tạo ra nhào nặn ra sự khác biệt và nổi bật về phần nhìn cho các bài thuyết trình nặng về nội dung và số liệu chỉ khiến mọi thứ trở nên nặng nề quá tải và không cần thiết. Đương nhiên, hiếm có tổ chức hay cá nhân nào lại từ chối sự sáng tạo, nhưng việc đặt sự sáng tạo và nổi bật vào đâu cho phù hợp lại đòi hỏi ở chủ nhân của bài thuyết trình một chút tinh ý.

Vậy tại sao tôi lại chọn bàn về chủ đề này? Bởi lẽ, là bài viết đầu tiên trong loạt bài chia sẻ kiến thức cá nhân, tôi xin phép được thử sức với một chủ đề bay bổng một chút để tự tạo cho mình một đường vào “đầu xuôi”, mong rằng có thể suôn sẻ “đuôi lọt” cho ra đời các bài tiếp theo.

Mục đích

Cách tiếp cận vấn đề bằng câu hỏi “Tại sao?” chắc hẳn đã không còn quá xa lạ trong nhiều vấn đề. Với thiết kế slide, trước khi hỏi câu hỏi “Làm thế nào?” (Làm thế nào để bài thuyết trình của mình trở nên nổi bật?”) mong rằng các bạn sẽ không quên hỏi câu hỏi “Tại sao?”. Bởi, Mục Đích sẽ là kim chỉ nam tuyệt vời nhất cho mỗi quyết định thiết kế sau này, xác định rõ ràng mục đích là bạn đã đi được một nửa chặng đường rồi, quãng đường còn lại có thể không đơn giản nhưng nhất định sẽ không mịt mờ.

Mục đích của bài thuyết trình

Với các tài liệu được sử dụng chủ yếu làm tài liệu đọc như báo cáo tài chính, giới thiệu chi tiết công năng hay phân loại sản phẩm, hoặc các bài giảng dài đến hàng trăm slides, được sử dụng để trình bày trong vài ba tiếng đồng hồ thì bạn nên suy nghĩ thật kĩ càng xem việc đầu tư thời gian và công sức làm sản phẩm của mình thật nổi bật có thực sự là cần thiết hay không, hay yếu tố truyền tải nội dung rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu, thống nhất, mới là yếu tố nên được đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, nếu bạn muốn gây ấn tượng cho nhà đầu tư về ý tưởng kinh doanh đột phá của bản thân, muốn thuyết phục khách hàng mở hầu bao cho sản phẩm của công ty bạn thay vì của công ty đối thủ, hay muốn chứng tỏ với sếp rằng ý tưởng cải tổ của bạn sẽ khiến công ty hoàn toàn thay đổi thì yếu tố nổi bật lại là yếu tố nên được nghiêm túc tính đến. Hay chẳng nói đâu xa, chẳng ai lại có thể cho qua yếu tố “nổi bật” nếu họ muốn bản thân trở nên khác biệt trước hàng nghìn hồ sơ xin học bổng hay trở thành yếu tố đáng lưu tâm giữa hàng trăm ứng viên cho vị trí công việc trong mơ.

Như vậy, khi đã xác định được mục đích của bài thuyết trình và mức độ nổi bật, khác biệt mà bạn mong muốn, việc tiếp theo là “xắn tay áo” và vào việc thôi!

Màu sắc

Màu sắc có thể nói là yếu tố đầu tiên khiến bài thuyết trình của bạn trở nên nổi bật, tuy nhiên, việc sử dụng màu sắc sao cho hài hòa lại không phải là một câu chuyện đơn giản. Bản thân tôi cho đến bây giờ cũng chưa tự tin 100% với khả năng dùng màu của mình, cũng chỉ xin phép chia sẻ một số mẹo bản thân hay sử dụng trong việc sử dụng màu để khiến bài thuyết trình trở nên nổi bật như sau:

Đổ màu với diện tích lớn

Không quan trọng bạn sử dụng một màu hay nhiều màu, màu nóng hay lạnh, màu sắc tươi sáng, dữ dằn, hay trầm lặng, việc đổ màu với diện tích lớn hoặc sử dụng màu sắc làm nền sẽ ngay lập tức ghi dấu ấn về mặt thị giác cho người xem.

Đổ màu trên diện tích lớn - SLIDE FACTORYNguồn: Một sản phẩm của SLIDE FACTORY Design Team

Như ở ví dụ này, designer đã mang không khí sân cỏ vào thiết kế bằng cách sử dụng khéo léo các sắc thái của màu xanh lá làm nền, khiến trang thiết kế nổi bật, khác biệt hoàn toàn với khi chỉ sử dụng nền trắng như thông thường
Hoặc trong trường hợp thiết kế dưới đây, designer lại sử dụng một thủ thuật khác với màu sắc là đổ màu tới một nửa diện tích trang thiết kế, vừa có tác dụng phân cấp, hiệu quả trong sáng tạo bố cục, lại vẫn tạo được ấn tượng mạnh với người xem.

Đổ màu nửa trang thiết kế - SLIDE FACTORYNguồn: Một sản phẩm của SLIDE FACTORY Design Team

Sử dụng các kĩ thuật màu sắc mới lạ

Thay vì chỉ sử dụng các màu với tone đơn sắc thông thường, bạn hãy thử sức với các kĩ thuật màu phức tạp hơn như màu gradient hay màu duotone xem sao. Đây đều là các kĩ thuật sử dụng màu rất phổ biến hiện nay và bạn có thể dễ dàng tìm được các bảng màu gợi ý hoặc hướng dẫn kĩ thuật chỉ bằng vài thao tác tìm kiếm.

Đơn cử như trang web webgradients.com gợi ý cho bạn đến 180 mẫu màu gradient có tính ứng dụng cao.

Kỹ thuật màu sắc mới lạ - SLIDE FACTORYNguồn: Một sản phẩm của SLIDE FACTORY Design Team

Hay như trong ví dụ này, chỉ bằng việc sử dụng kĩ thuật dùng màu gradient, designer đã khiến cho slide có nội dung vốn khá đơn điệu trở nên hài hòa, thu hút và nổi bật hơn.

Sử dụng màu gradient - SLIDE FACTORYNguồn: Một sản phẩm của SLIDE FACTORY Design Team

Tương tự, cách tiếp cận khéo léo kết hợp màu sắc nhận diện của thương hiệu là cam và xanh dương đậm cùng với kĩ thuật xử lý ảnh duotone của designer trong trường hợp này cũng đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ khách hàng, dù kĩ thuật thực hiện không hề phức tạp.

Can đảm sử dụng các màu sắc kén mắt

Hãy tưởng tượng trong một căn phòng có 100 người, không cần phải hỏi chắc cũng sẽ có đến tám – chín mươi người có câu trả lời cho câu hỏi “Màu sắc yêu thích của bạn là gì?” là các màu sắc dịu nhẹ, phổ biến, ưa nhìn như xanh lá cây, xanh dương, hồng, đỏ, vàng, cam,… nên cũng không quá khó hiểu khi các màu sắc này được sử dụng phổ biến trong rất nhiều các sản phẩm.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu bạn muốn sản phẩm của bạn khác biệt hoàn toàn thì rất đơn giản là hãy can đảm thử sử dụng các màu sắc khó nhằn như các màu neon, hay màu các màu thuần. Việc này sẽ đòi hỏi kiến thức về màu sắc nhất định và quá trình thử nghiệm cẩn thận nếu không muốn biến sản phẩm thành một quầy hàng đồ chơi rẻ tiền, tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là điều không thể. Nhất là đối với các sản phẩm mang tính cá nhân cao, bạn muốn thể hiện cá tính và màu sắc riêng của bản thân thì ngại gì không thử nhỉ.

Sử dụng màu sắc kén mắt - SLIDE FACTORYNguồn: Một sản phẩm của SLIDE FACTORY Design Team

Thử đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng trong một buổi chiều buồn chán lướt qua hàng trăm các ứng viên với các loại CV cùng một mẫu nhàng nhàng như nhau thì đột nhiên đập vào mắt là màu xanh neon chói chang này, chưa cần biết bạn có phù hợp với công việc hay không, nhưng chắc chắn bạn đã thắng ở hạng mục ấn tượng và can đảm rồi.

Chơi đùa với màu sắc - SLIDE FACTORYNguồn: Một sản phẩm của SLIDE FACTORY Design Team

Hay ngại gì mà không nhấn nhá, chơi đùa với màu sắc một chút với một sản phẩm mà đối tượng trung tâm là trẻ em. Vừa gây ấn tượng với người nghe, lại vừa thể hiện sự thấu hiểu của người làm sản phẩm.

Tóm lại, việc sử dụng màu sắc trong thiết kế không hề dễ nhưng để làm bài thuyết trình của bạn trở nên nổi bật thì màu sắc là yếu tố không thể không tính đến. Hy vọng các chia sẻ trên đây của tôi có thể giúp ích được một phần nhỏ bé trong việc trả lời câu hỏi, làm thể nào để khiến bài thuyết trình của bạn trở nên nổi bật thông qua sử dụng màu sắc?

Trong phần sau, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm bản thân trong việc làm nổi bật sản phẩm thiết kế thông qua một số các yếu tố khác trong thiết kế như hình khối, chất liệu, font chữ,…

Tác giả: Đặng Thanh Thảo

Related posts

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments