SLIDE FACTORY – Nhắc đến thiết kế, màu sắc chắc chắn là yếu tố không thể thiếu. Vậy trong thiết kế thuyết trình – một dạng thiết kế đòi hỏi sự tương tác trực tiếp với người xem thì sao? Trong bộ môn này, màu sắc không chỉ được dùng đơn giản như công cụ trang điểm, mà nó còn có sức mạnh định hướng thông điệp gửi gắm qua toàn bộ bài thuyết trình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những nguyên lí ngầm ẩn đằng sau sức mạnh đó: color psychology (tâm lí màu sắc) và những cách áp dụng chúng để tối ưu hóa màu sắc trong thuyết trình.
Màu sắc và tâm lí vô thức của con người
Về mặt khoa học, màu sắc là yếu tố đầu tiên tác động đến cách mỗi người đánh giá một sự vật. Ví dụ, khi ta thấy một con ruồi, nếu nó màu đen hoặc xanh đậm thì vốn là chuyện thường, nhưng nếu trên thân ruồi có thêm vằn vàng, phản ứng đầu tiên của ta chắc hẳn sẽ là né ra càng xa càng tốt.
Chính bản năng phản ứng với màu sắc này báo hiệu cho ta biết thức ăn nào nguy hiểm, khu vực nào cần tránh xa,… Màu sắc gắn liền với bản năng sống còn, đó là lí do khiến đa phần màu sắc đều bắt mắt đến vậy.
“Color psychology” – Con người là “nô lệ” của màu
Nói con người trở thành “nô lệ” của màu sắc chính bởi sức mạnh chi phối cảm quan và tùy chỉnh xúc cảm con người của chúng. Nhưng tại sao Màu sắc lại có sức mạnh đó? Môn “Tâm lí màu sắc” ra đời để giúp chúng ta giải đáp chính câu hỏi này. Nhờ thế, những người có thể hiểu và nắm vững những quy luật trong bộ môn này có thể dễ dàng điều khiển tâm trí khách hàng hoặc người đối diện chỉ thông qua một phương tiện duy nhất: màu sắc.
Cách thao túng ấy thực chất chính là sự thay đổi cấu trúc nguyên tử của con ngươi. Khi ánh sáng chiếu vào một vật thể màu, vật thể ấy sẽ chỉ hấp thụ bước sóng từ ánh sáng đồng dạng với cấu trúc phân tử của chúng, sau đó phản chiếu lại, tạo nên màu sắc ta thấy.
Xét ngược lại, màu sắc chính là dấu hiệu của các cấu trúc phân tử tạo nên sự vật. Vì thế, khi ánh sáng chiếu vào mắt người, bước sóng đó cũng ảnh hưởng và thay đổi cấu trúc phân tử trong con người, bao gồm cả phần não bộ tiết ra hormones và endocrine chi phối cảm xúc và hành vi con người.
Tuy vậy, ảnh hưởng của màu sắc đến mỗi con người lại rất khác nhau bởi các yếu tố như: vị trí địa lí, lứa tuổi, giới tính và nền văn hóa. Vì thế, dù biết rõ hiệu quả của màu sắc, các Marketer vẫn phải đau đầu phân loại khách hàng để tìm ra màu sắc phù hợp nhất với thương hiệu của mình. Nếu thành công, thương hiệu đó sẽ có “tính cách” riêng, thường được diễn giải bởi suy nghĩ cá nhân của khách hàng. Chính tính cách này chi phối từ 62-90% đánh giá của khách hàng về một sản phẩm trong 90 giây đầu tiếp xúc.
Lấy ví dụ với các thương hiệu nổi tiếng như : Victoria’s Secret với màu hồng tưng bừng, đầy sức sống; Coca-cola với màu đỏ – trắng huyền thoại; hay như Starbuck với màu trắng – xanh lá cổ điển.
Không chỉ áp dụng đối với riêng ngành Marketing, màu sắc còn là yếu tố tiên quyết trong bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc truyền tải thông điệp, ví dụ như Thiết kế (Design), Thuyết trình (Presentation) hay thậm chí cả trong những buổi phỏng vấn.
Chúng tôi “dùng” màu như thế nào ?
Màu sắc quan trọng là vậy, bạn có tin qui luật chi phối và truyền tải ý nghĩa bằng màu khủng khiếp kia chỉ tóm gọn trong vài tính từ (bảng dưới). Là những người làm việc với thiết kế và sáng tạo, SLIDE FACTORY tin như vậy và luôn ghi nhớ những điều sau khi bắt tay sử dụng “màu sắc” nhằm nhắn gửi ý nghĩa.
Theo Colour-Affects – một công ty Anh chuyên tư vấn màu sắc cho các tập đoàn, thương hiệu lớn, có 4 màu sắc cơ bản:đỏ, xanh dương, vàng và xanh lá tương đương với thân thể, trí tuệ, cảm xúc và sự cân bằng giữa 3 yếu tố trên (gồm ý nghĩa tiêu cực và tích cực).
Ý nghĩa tham khảo của các màu sắc cơ bản
– Đỏ: Sức mạnh / Sự ấm áp / Năng lượng / Ý chí sống còn / Động lực / Nam tính / Phấn khích / Thách thức / Hung hăng / Gò bó / Hiệu ứng thị giác / Hiệu ứng vật lí.
– Xanh dương: Trí thông minh / Kết nối / Niềm tin / Hiệu quả / Thanh bình / Trách nhiệm / Logic / Lạnh lùng / Phản chiếu / Bình tĩnh / Xa cách / Vô cảm / Kém thân thiện.
– Vàng: Lạc quan / Tự tin / Kiêu hãnh / Xa hoa / Sức mạnh cảm xúc / Thân thiện / Sáng tạo / Vô lí trí / Sợ hãi / Cảm xúc yếu đuối / Trầm cảm / Bồn chồn / Tự tử.
– Xanh lá: Hòa hợp / Cân bằng / Sự tươi mới / Sự nghỉ ngơi / Hàn gắn / Trấn an / Vô tư / Hòa bình / Chán nản / Tù đọng / Suy yếu.
– Tím: Năng lượng tinh thần / Tầm nhìn / Sự xa hoa / Tính xác thực / Sự thật / Chất lượng / Nội tâm / Sự điêu tàn / Bó buộc / Thấp kém.
– Cam: Xoa dịu vật lý / Đồ ăn / Sự ấm áp / Sự an toàn / Khoái cảm thể xác / Đam mê / Sự dồi dào / Niềm vui / Mất mát / Ức chế / Sự phù phiếm / Thiếu trưởng thành.
– Hồng: Bình yên thể xác / Nuôi dưỡng / Sự ấm áp / Nữ tính / Tình yêu / Dục tính / Sự sinh tồn / Cư trú / Thảm họa tinh thần / Sự yếu đuối thể xác.
– Xám : Thái độ trung lập / Thiếu tự tin / Ẩm ướt / Trầm cảm / Lầm lì / Thiếu năng lượng.
– Đen: Tinh tế / Huyền ảo / An toàn / An toàn cảm xúc / Hiệu quả / Bản chất / Áp bức / Lạnh lùng / Đe dọa / Nặng nề.
– Trắng: Sạch sẽ / Vô trùng / Sáng rõ / Tinh khôi / Tối giản / Tinh tế / Hiệu quả / Lạnh lùng / Rào cản / Thiếu thân thiện / Chủ nghĩa đẳng cấp.
– Nâu: Nghiêm túc / Ấm áp / Thiên nhiên / Đáng tin cậy / Hỗ trợ / Thiếu tính hài hước / Nặng nề / Thiếu tinh tế.
Những từ khóa này đã được nghiên cứu kĩ lưỡng dựa trên phản ứng tâm lí con người. Vì thế, khi muốn dùng màu sắc để tạo nên thông điệp chung, hãy nhớ kĩ chúng nhé.
Tại SLIDE FACTORY, khi nhắc đến màu sắc trong giao tiếp ý tưởng và thuyết trình, chúng tôi luôn tự nhắc mình 3 điều căn bản sau :
– Sử dụng màu theo bảng (palette): Mỗi màu sắc đều có những cấp độ màu khác nhau và phù hợp với từng màu riêng biệt để tạo nên tính thẩm mĩ. Vì thế, đừng để mình phải loay hoay tìm màu hợp với background ở một slide mà hãy tạo một bảng màu trước đó. Điều này sẽ giúp bạn tạo kết nối liền mạch và sự hài hòa cho toàn bộ bài thuyết trình đó.
Nếu bạn còn phân vân chọn màu, bạn có thể ghé thăm những trang web sau với những pallette màu mẫu luôn được update liên tục:
- https://color.adobe.com/explore/newest/
- http://paletton.com/#uid=1000u0kllllaFw0g0qFqFg0w0aF
- http://www.degraeve.com/color-palette/
– Dùng màu để nhấn mạnh: Ngoài việc dùng bảng màu chung để truyền tải ý nghĩa toàn ý tưởng, bạn còn có thể dùng màu để nhấn mạnh những điểm quan trọng. Tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng việc này sẽ giúp bài thuyết trình của bạn cô đọng hơn, cực kỳ hữu hiệu đối với những bài thuyết trình “buộc phải có nhiều chữ, nhưng lại không được nhiều chữ”.
– Dùng màu nguyên chất: Hãy dùng màu rực, màu đậm và các màu nguyên chất. Đừng sử dụng những màu nhạt pha xám (các màu mặc định trong Word, Powerpoint,…) vừa khiến bài thuyết trình tối sầm xuống, lại vừa tạo cảm giác nhàm chán quen thuộc.
Thực chất, sử dụng màu sắc để định vị thương hiệu và thông điệp cũng tương tự như việc bạn phối quần áo mỗi sáng. Bạn muốn khoe gì, bạn muốn tạo ấn tượng thế nào, bạn muốn thể hiện gu của mình qua kiểu áo nào, cũng là những câu bạn phải tự hỏi mình khi bắt tay thiết kế một bài thuyết trình.
Thực chất, mỗi chúng ta đã là một chuyên gia màu sắc từ bản năng rồi!