Tư duy nội dung thuyết trình: Thuyết phục người nghe từ đầu đến cuối


ADMIN - 07/06/2016 - 0 comments

Nếu bạn muốn có một bài thuyết trình hấp dẫn, bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Có phải là việc bạn đi học kĩ năng nói trước đám đông? Hay là từ việc bạn thiết kế một slides với nhiều hiệu ứng ấn tượng? Sự thực thì không có gì trong hai điều đó hiệu quả nếu như bạn không xuất phát từ xây dựng một nội dung chặt chẽ, logic và cuốn hút. SLIDE FACTORY sẽ chia sẻ với bạn bí quyết này.

Tư duy nội dung thuyết trình

Bước 1: Xác định mục tiêu

Nếu như coi bài thuyết trình của bạn là một vòng tròn thì mục tiêu bài thuyết trình chính là tâm điểm của hình tròn đó: tất cả các nội dung bạn xây dựng nên phải xoay quanh mục tiêu duy nhất này. Đó cũng chính là yếu tố “Đơn giản hóa” trong bí quyết thành công khi thuyết trình ý tưởng.

Một số người hay nhầm tưởng, mục tiêu bài thuyết trình chính là những nội dung chính sẽ được trình bày trong bài thuyết trình đó. Thực ra, mục tiêu không phải là cái bạn muốn làm, mà là cái bạn muốn những khán giả của mình làm.

Để thực hiện được bước này, có một công cụ rất hữu ích, đó là bảng From – To, Think – Do. Hoàn thiện bảng này: hiện tại (from) khán giả của bạn đang quan niệm (think) và hành động (do) ra sao; và bạn muốn họ thay đổi như thế nào (to). Khi đó, bạn sẽ có được mục tiêu cho bài thuyết trình của mình.

Bước 2: Xác định vấn đề của khán giả và giải pháp bạn cung cấp

Không ai hứng thú lắng nghe một bài thuyết trình mà không có giá trị thực tiễn đến họ. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu bài thuyết trình, bạn phải nhấn mạnh với khán giả của mình lí do vì sao họ nên nghe những gì bạn sắp trình bày. Và cách tốt nhất, là hứa hẹn với họ bài thuyết trình sẽ giúp họ giải quyết một vấn đề nào đó họ đang gặp phải. Nếu như điều bạn sắp sửa đưa ra là một giải pháp, thì nó sẽ đem lại những lợi ích gì?

Bước 3: Tập hợp dẫn chứng

Đương nhiên bạn không thể chỉ nói suông rằng bài thuyết trình của bạn là giải pháp tối ưu cho vấn đề khán giả của bạn đang gặp phải. Bạn phải chứng minh cho điều đó. Những dẫn chứng bạn đưa ra có thể là lập luận, là số liệu, là những câu chuyện thực tế, là những khảo sát bạn đã thực hiện và tổng hợp. Trong một thế giới khi người ta giao tiếp với nhau quá nhiều bằng các khái niệm trừu tượng, dẫn chứng là thứ sẽ kéo người nghe xuống mặt đất, đối mặt với tình huống cụ thể. Hãy tổng hợp lại tất cả những dẫn chứng này, chúng sẽ vô cùng hữu ích cho bước tiếp theo: sắp xếp nội dung thành một câu chuyện

Bước 4: Sắp xếp nội dung thành một câu chuyện

Nếu như bạn thường xuyên theo dõi các nội dung được SLIDE FACTORY chia sẻ, có lẽ bạn sẽ không còn lạ lẫm với khái niệm storytelling (kĩ thuật kể chuyện), cũng như lợi ích to lớn nó có thể đem lại cho bài thuyết trình của bạn. Một câu chuyện được lồng ghép khéo lép sẽ giúp thu hút sự chú ý của người nghe từ đầu tới cuối; đồng thời có tác dụng như một màng lọc: bất cứ yếu tố nào nằm ngoài cốt truyện có thể được gạt bỏ.

Nhưng làm thế nào để có thể đưa một câu chuyện vào một nội dung thuyết trình tưởng như khô khan?

Để làm được điều này, bạn cần hiểu nguyên lý cốt lõi của chuyện kể. Thực ra, những câu chuyện chỉ là một chuỗi liên tiếp những mâu thuẫn, và sau đó là giải quyết mâu thuẫn. Thử nhớ lại câu chuyện Tấm Cám – chúng ta không thể ngừng tò mò làm thế nào cô Tấm có thể sống sót qua năm lần bảy lượt bị mẹ con Cám hãm hại.

Bài thuyết trình của bạn cũng có thể áp dụng nguyên lý tương tự. Bạn đưa ra mâu thuẫn, sau đó trình bày cách giải quyết chúng. Một cách lý tưởng, bài thuyết trình của bạn có thể xây dựng theo trình tự nội dung S.Co.R.E như sau:

S – Situation: chính là background cho câu chuyện của bạn.

Co – Complication: chính là mâu thuẫn, rắc rối mà khán giả của bạn đang gặp phải (hoặc có thể, là một “chỗ ngứa” tiềm ẩn mà bản thân khán giả của bạn còn chưa nhận thức ra)

R – Resolution: cách giải quyết mâu thuẫn, chính là ý tưởng bạn muốn trình bày

E – Evidence: là những ví dụ, bằng chứng mà bạn đã tập hợp từ trước. Cũng bằng cách đưa ra dẫn chứng, bạn cho khán giả thời gian để “nghiền ngẫm” và “thấm” ý tưởng mà bạn vừa trình bày bên trên,

Toàn bộ nội dung bài thuyết trình của bạn sẽ là sự lặp lại của mô hình Co.R.E – bạn liên tiếp đưa ra các rắc rối, sau đó giải quyết chúng. Mâu thuẫn tiếp theo mà bạn trình bày phải là điều mà khán giả có khả năng nghi ngờ; là lập luận mà khán giả có thể sử dụng để phản đối bạn ngay lập tức nếu như bạn dừng bài thuyết trình tại thời điểm đó. Bằng cách gợi lên một câu hỏi mà khán giả đang có trong đầu và sau đó đưa ra câu trả lời cho nó, bạn sẽ thực sự chinh phục những người đang ngồi trước mặt bạn.

Trên thực tế, S.Co.R.E là một mô hình phát triển nội dung nổi tiếng và nếu bạn để ý, sẽ thấy nó được ứng dụng phổ biến, không chỉ trong thuyết trình, mà trong mọi nội dung khác như quảng cáo, báo chí,… SLIDE FACTORY chúc bạn thành công với các sản phẩm của mình.

⇒ Tham khảo video dưới đây của TED để hiểu hơn về tư duy nội dung thuyết trình:

Related posts

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments