Bạn đã cùng SLIDE FACTORY tìm hiểu một số thủ thuật tâm lý trong thuyết phục. Trong bài này, chúng ta cùng xem làm thế nào ta có thể áp dụng những thủ thuật này để đưa các nhà tuyển dụng “vào tròng” và khiến họ khó có thể từ chối nhận ta vào làm việc.
⇒ Đọc thêm: 6 kỹ xảo thuyết trình từ cựu tổng thống Barack Obama
1. Nguyên tắc đáp trả
Một trong những bản năng cơ bản của con người là luôn luôn cố gắng trả ơn người đã làm gì đó cho ta. Chúng ta thường tự động nảy sinh cảm giác mang ơn người khác, một nhu cầu được hoàn trả thứ người khác đã cho ta. Nguyên tắc này hoàn toàn có thể được áp dụng trong một buổi phỏng vấn, theo đó người phỏng vấn bị tác động để nhận bạn vào làm việc, xuất phát từ cảm giác mang ơn bạn.
Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể khiến cho phía nhà tuyển dụng phải “chịu ơn” mình bằng cách tự nguyện chia sẻ một lời khuyên giá trị giúp công ty có thể tiết kiệm được chi phí đáng kể. Ví dụ, nhà tuyển dụng có thể đang trao đổi với bạn một phần mềm đắt tiền mà họ đang, khi ấy bạn hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên của mình một cách miễn phí.
Phần mềm đó tốt đấy, nhưng chi phí vận hành rất đắt đó. Tháng tới ở Anh sẽ phát hành một sản phẩm mới đã được sử dụng tại Mỹ, phần mềm đó là phiên bản cải tiến hơn so với cái mà các anh đang sử dụng, có thêm một số ưu điểm nhưng chỉ bằng một nửa giá tiền. Sau khi phỏng vấn, tôi có thể gửi email cho anh đường link tới website bán sản phẩm để anh tự xem xét.
Nguyên tắc đáp trả cũng có thể sử dụng trong đàm phán lương. Ban đầu, hãy đặt ra một mức lương cao (vừa phải) nhưng đủ để khiến nhà tuyển dụng từ chối. Khi ấy, bạn mới đưa ra mức lương thấp hơn (nhưng vẫn chính là mức mong muốn thực sự của bạn), nhưng có kèm theo một vài đãi ngộ khác như một tuần nghỉ có lương, cùng lời đề nghị rằng: “Tôi hy vọng chúng ta có thể hợp tác vì tôi rất thích các giá trị của công ty”. Người phỏng vấn – khi này vốn đã có cảm giác “mang nợ” vì phải từ chối bạn, thông qua nguyên tắc đáp trả sẽ dễ dàng bằng lòng với yêu cầu bổ sung của bạn hơn.
2. Nguyên tắc cam kết và nhất quán
Chúng ta luôn có một mong muốn mãnh liệt được giữ bản thân là một thể thống nhất. Một khi ta đã cam kết sẽ làm gì đó (đặc biệt thông qua lời nói hoặc bằng việc viết); hoặc khi ta tuyên bố về niềm tin của mình, chúng ta thường có khả năng sẽ luôn hành động theo đó.
Bạn có thể áp dụng nguyên tắc cam kết và nhất quán lên nhà tuyển dụng bằng cách định hình các câu trả lời dưới hình thức câu hỏi để chứng tỏ rằng bạn có hứng thú, và người tuyển dụng cũng phải công nhận như vậy:
Ở 3 công ty mà tôi từng làm việc, tôi đã giúp tăng lợi nhuận bằng cách tiết kiệm chi phí thông qua các hoạt động X, Y, và Z. Liệu những cách này có mang lại lợi nhuận cho tổ chức của anh không?
Bằng việc đưa ra những ví dụ về những việc trước đây bạn từng làm, chứng minh hiệu quả của chúng và hỏi lại rằng liệu công ty có mong muốn được lợi như vậy, bạn bắt đầu tạo ra sự cam kết và nhất quán. Nhà phỏng vấn khi ấy đã buộc phải phát ngôn rằng công ty có thể được lợi từ bạn và ý tưởng của bạn.
Bạn cũng có thể kết thúc buổi phỏng vấn bằng cách hỏi người phỏng vấn: “Nếu bạn tuyển dụng tôi, công việc của tôi trong 6 tháng đầu tiên là gì?”. Câu hỏi này giúp người phỏng vấn phải hệ thống lại các kỹ năng của bạn, và họ sẽ phải rà soát lại những câu trả lời của bạn trước đó để trả lời cho câu hỏi này.
Đầu ra của những mánh khóe này phải là việc bạn khiến cho nhà tuyển dụng phải cam kết rằng họ muốn dành vị trí này cho bạn. Khi ấy, sẽ rất khó để họ thay đổi suy nghĩ, bởi chúng ta đều mong muốn giữ cam kết và nhất quán với bản thân mình.
3. Bằng chứng xã hội
Chúng ta đẩy nhanh tốc độ ra quyết định nhờ việc quan sát các bằng chứng xã hội. Bằng việc quan sát xem người khác hành động như thế nào, chúng ta có thể đưa ra các lựa chọn dễ dàng hơn.
Trong một buổi phỏng vấn, hãy khiến nhà tuyển dụng bị thuyết phục thông qua nguyên tắc bằng chứng xã hội bằng cách tạo ra tiếng vang cho chuyên môn của bạn. Trong suốt cuộc phỏng vấn của bạn, hãy kể lại việc các sếp cũ đã ca ngợi những thành tích của bạn trước kia ra sao. Đưa ra bản sao của các email mà các bên liên quan, các đối tác và cấp trên từng khen ngợi việc bạn làm. Hãy nhắc lại những chỉ số tích cực mà bạn đã giúp công ty cũ giành được. Đừng chỉ tự mình nói với họ rằng bạn tuyệt vời thế nào, hãy trích lại lời của các đồng nghiệp, cấp trên và đối tác cũ để sếp mới nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người khác đều cho rằng anh ta có thể làm nên nhiều thành tích thì tôi cũng nên tin như thế.
4. Nguyên tắc thiện cảm
Chúng ta rất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những người chúng ta có thiện cảm. Chúng ta thích những người chia sẻ những điểm chung với mình. Chúng ta thích những người nào dành lời khen ngợi ta, và chúng ta thích những người lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười.
Trong buổi phỏng vấn xin việc cũng tương tự – nếu bạn muốn được nhận vào làm việc, bạn cần phải khiến nhà tuyển dụng có thiện cảm với mình. Rất nhiều người phỏng vấn bị ảnh hưởng bởi trực giác; và một khi họ đã thích bạn rồi thì họ sẽ chỉ nhìn bạn qua lăng kính thiện cảm mà thôi. Khi ấy thì một câu trả lời dù có tệ thì với họ cũng thành tốt đẹp cả.
Trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng, bạn có thể tạo thiện cảm cho người đối diện bằng cách tìm điểm chung giữa hai người. Bạn và ngời đối diện có cùng thích một môn thể thao nào, cùng học một trường Đại học nào, hay từng cùng đi một địa điểm nào đó không? Lý tưởng nhất là hãy tìm ra điểm tương đồng trong giá trị, niềm tin và đạo đức nghề nghiệp. Ngườii phỏng vấn sẽ dần hé lộ sở thích, trình độ nghề nghiệp, các giá trị và niềm tin của họ trong thời gian phỏng vấn, và nhiệm vụ của bạn đơn giản là thể hiện ra bạn cũng có những sở thích, quan điểm và phong cách sống tương tự.
5. Nguyên tắc uy quyền
Những người có uy thì sẽ được lắng nghe. Chúng ta đặt niềm tin vào những người có quyền uy và chuyên môn, lắng nghe những nhận định của họ mà thậm chí còn chẳng băn khoăn xem chuyên môn đó của họ có được đặt đúng chỗ hay không.
Xét trong một buổi phỏng vấn xin việc, bạn có thể chia sẻ với người phỏng vấn lĩnh vực mà bạn đặc biệt mạnh và có chuyên môn chuyên sâu, giải thích xem phần kiến thức này có lợi cho tổ chức như thế nào, bạn có thể phát huy năng suất ra sao, bạn có thể giúp công ty ký kết được nhiều hợp đồng hay giảm chi phí đầu người như thế nào. Những việc này có thể tăng thêm mức uy tín đối với nền tảng kiến thức của bạn.
Trước buổi phỏng vấn, bạn có thể viết các bài blog cho các tạp chí chuyên ngành, và dẫn chiếu tới chúng trong khi phỏng vấn để tăng mức uy tín cho bạn. Một khi bạn đã được nhìn nhận là một chuyên gia, những câu trả lời sau đó của bạn sẽ khó bị giám khảo “xoay” hơn. Cuối cùng thì, khi phải đưa ra quyết định là nên tuyển dụng ai thì nếu phải chọn giữa một thí sinh có kinh nghiệm và một chuyên gia trong lĩnh vực đó, bạn hẳn phải biết câu trả lời là gì.
6. Nguyên tắc khan hiếm
Người ta luôn luôn muốn thứ mà họ không thể có. Chúng ta khao khát những thứ hiếm, những thứ độc nhất, những thứ phi thường.
Đối với một buổi phỏng vấn cũng tương tự. Hãy tự biến mình trở thành một lựa chọn khan hiếm, độc nhất và giá trị. Bạn cần phải nghĩ về những giá trị bạn có thể mang lại cho tổ chức: bạn sở hữu điều gì mà người khác không có? Làm thế nào bạn có thể giúp tăng doanh thu của công ty? Việc tuyển dụng bạn có thể tăng thêm giá trị cho tổ chức như thế nào? Và, quan trọng hơn cả là nếu như họ không tuyển dụng bạn, nếu bạn đầu quân cho công ty khác thì phía nhá tuyển dụng sẽ bỏ lỡ những gì?
Một khi nhà tuyển dụng biết về chuyên môn của bạn, và biết chuyên môn đó có thể đem lại lợi nhuận cho tổ chức như thế nào – hay nói cách khác, một khi nhà tuyển dụng đã “vào tròng” – hãy đột nhiên rút lại mong muốn làm việc cho họ. Hãy bắt đầu đề cập đến việc các công ty khác cũng đang chào mời bạn như thế nào, và đặt câu hỏi về kế hoạch tương lai và danh tiếng công ty. Cẩn thận đừng làm quá lố, và cũng đừng quên hỏi về cơ hội phát triển, thăng tiến và hòa nhập của bạn ở công ty như thế nào.
Nếu như nhà tuyển dụng hết sức hứng thú với bạn, mà bạn lại nháy rằng bạn có thể sẽ không nhận lời, họ sẽ lại càng mong muốn tuyển dụng bạn hơn nữa.
Lưu ý: Bạn có thể nhận ra rằng nguyên tắc này đang có tác dụng khi nhà tuyển dụng bắt đầu tăng đề nghị mức lương.
Kết luận: Nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm, chưa chắc bạn đã được tuyển dụng
Chỉ có kẻ khờ mới tin rằng họ có thể được tuyển dụng chỉ vì họ có kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: ngoại hình, sự tự tin, cái bắt tay của bạn, cấu trúc câu trả lời, việc bạn sử dụng các câu chuyện và lập luận, giọng nói, độ dài câu trả lời, tính cách bạn thể hiện ra, danh tiếng các công ty mà bạn từng làm việc… thậm chí là tên của bạn, và những người phỏng vấn trước bạn đã thể hiện như thế nào.
Với phần lớn những nhà tuyển dụng, họ không thực sự nhận thức hết được những yếu tố này. Họ chỉ linh cảm rằng bạn có thể phù hợp với công ty của họ, tương tự như việc bạn gặp ai đó ở bữa tiệc – bạn không biết tại sao nhưng bạn thấy thích họ.
Thông qua Sáu nguyên tắc Thuyết phục – có đi có lại, cam kết/nhất quán, bằng chứng xã hội, thiện cảm, uy quyền và khan hiếm – bạn có thể tăng khả năng được nhận hơn bằng cách chủ động tác động lên việc nhà tuyển dụng có thể cảm nhận về bạn như thế nào.
Nguồn: CareerAttraction