Các thủ thuật tâm lý trong thuyết phục: Làm thế nào để ý tưởng được đồng thuận (P2)


ADMIN - 29/09/2016 - 0 comments

Tiếp tục bài viết Các thủ thuật tâm lý trong thuyết phục phần 1, SLIDE FACTORY sẽ giới thiệu với các bạn 3 thủ thuật giúp bạn có thể dễ dàng tạo ảnh hưởng lên người khác, khiến họ xuôi theo lời đề nghị của bạn.

4. Nguyên tắc thiện cảm

Người xưa có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Nếu đã “lỡ” có thiện cảm với ai, thật khó để có thể từ chối yêu cầu của họ.

Chúng ta thường có xu hướng đồng ý trước những đề nghị của người mình quen biết hoặc người mình quý mến. Nhưng làm thế nào để có thể khiến một người xa lạ nảy sinh tình cảm với mình? Robert Cialdini đã đề xuất ra 4 cách:

Thứ nhất, thật dễ hiểu, là yếu tố ngoại hình. Không phải ngẫu nhiên mà những người làm dịch vụ khách hàng thường được tuyển lựa rất kĩ về ngoại hình. Cũng cần lưu ý rằng, một “ngoại hình” đẹp không chỉ là về yếu tố nhan sắc, diện mạo, mà còn là phong thái, cách ăn mặc.

Thứ hai là tạo ra sự tương đồng. Chúng ta thường dễ dàng đồng cảm với một người mà ta có thể tìm thấy ở họ sự giống nhau về cách ăn mặc, quê quán, sở thích hay điệu bộ cử chỉ. Một nhân viên bán hàng nói giọng địa phương có thể bán hàng tốt hơn với một khách hàng đến từ địa phương đó, nhờ cảm giác gần gũi thân thuộc mà giọng nói đem lại.

Bạn hoàn toàn có thể tạo thiện cảm bằng cách tạo sự tương đồng, và lôi kéo đối phương cùng tham gia một hoạt động nào đó với mình (Ảnh: Internet)

Bạn hoàn toàn có thể tạo thiện cảm bằng cách tạo sự tương đồng, và lôi kéo đối phương cùng tham gia một hoạt động nào đó với mình (Ảnh: Internet)

Thứ ba là đừng ngần ngại ban tặng những lời khen. Đây không nhất thiết phải là một hành động tâng bốc, ca tụng; nhưng bạn có thể dành thời gian để viết những lời nhận xét tích cực và chân thành dành cho đối phương.

Thứ tư, hãy hợp tác trong cùng một công việc. Một thí nghiệm đã chỉ ra rằng, cách nhanh nhất để thúc đẩy bất hòa là chia rẽ tập thể thành hai nhóm đối đầu cạnh tranh. Ngược lại, muốn xóa bỏ ác cảm, chỉ cần cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Bạn có thể đề ra một lời gợi ý rằng hai bên có thể cùng đạt được một mục tiêu chung, trước khi đưa ra đề nghị, như một cách thỏa thuận ngầm rằng: “Chúng ta cùng chung chiến tuyến”.

5. Nguyên tắc uy quyền

Một trong những yếu tố quyết định một lời đề nghị có được chấp thuận hay không nằm ở sức ảnh hưởng của người đưa ra đề nghị ấy. Giống như việc ta nghe theo lời cha mẹ, thầy cô từ bé một cách hết sức bản năng, ta cũng thường tuân theo lời của người có quyền quyết định; và trong những trường hợp này thì ý thức chủ tâm (lý trí) hầu như không thể tác động, hoặc tác động rất ít.

content-authority

Chúng ta hành động theo những quyền lực vô hình (Ảnh: Internet)

Sở dĩ có tâm lý vâng lệnh một cách rất phi lý trí này là bởi ban đầu, việc tuân theo người có quyền thường là có lợi. Ta nghe theo cha mẹ, thầy cô vì họ từng trải hơn, họ biết nhiều hơn, biết đúng hơn; và chưa kể đến chuyện họ sẽ có hình phạt hoặc phần thưởng dựa trên việc ta nghe lời hay không. Nhưng điều rất “phi lý trí” là ở chỗ, sau này ta nhiều khả năng vẫn sẽ tuân thủ theo những đối tượng nắm giữ quyền lực ấy, dẫu rằng “lệnh” đưa ra có vô lý đến đâu chăng nữa.

Thế nếu như bản thân ta không phải là người có uy quyền thì sao? Điều thú vị của nguyên tắc này là chỉ riêng danh vị (chứ không cần thiết là quyền lực thực sự) cũng đã có thể tác động lên hành vi của chúng ta. Chỉ cần đi một chiếc xe xịn, ta nghiễm nhiên trở thành người giàu có, thế lực (dù có thể bản chất không phải vậy). Mặc một bộ cảnh phục, ta có thể có sức ảnh hưởng như một nhân viên an ninh chính hiệu (dù bản chất là không như thế). Tương tự, bạn có thể khoác lên mình một bộ áo của hình mẫu bạn muốn trở thành, và rất có người khác sẽ nhìn bạn như vậy

6. Nguyên tắc khan hiếm

“Cách yêu thứ gì đó là nhận ra rằng nó có thể mất đi”.

Cảm giác sợ mất mát khiến chúng ta nhìn một thứ một cách trân trọng hơn. Cơ hội dường như trở nên giá trị hơn với chúng ta khi sự tồn tại của nó là có hạn. Một thứ càng khó có được, càng bí mật, càng bị cấm đoán thì càng khiến đối phương có mong muốn sở hữu. Một ví dụ gần như là điển hình nhất của trường hợp này phải kể đến câu chuyện tình bi kịch của Romeo và Juliette. Một tình yêu đầy ngăn trở đã đẩy đôi tình nhân đến một hành động vượt lên mọi lí trí.

Và đó cũng là cách chúng ta nên làm. Hãy nhử một củ cà rốt trước mặt đối phương bạn muốn thuyết phục, và ngay khi họ vồ lấy thì cất nó đi. Khi ấy, gần như chắc chắn bạn sẽ là người nắm quyền điều khiển.

17233999165_5dc60fe8d1_b

“Củ cà rốt này chỉ có một. Nếu bạn muốn thì hãy theo tôi” (Ảnh: Internet)

Thông qua 6 nguyên tắc tâm lý thuyết phục, chắc hẳn các độc giả của SLIDE FACTORY đã ít nhiều có thêm những kinh nghiệm mới để gây ảnh hưởng một cách hiệu quả hơn. Và nếu bạn vẫn còn băn khoăn, hãy đón đọc những bài viết tiếp theo của SLIDE FACTORY về cách thức áp dụng những nguyên tắc này trong thực tiễn gần gũi nhất.

Related posts

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments