Tiêu đề bài thuyết trình có 3 nhiệm vụ chính: giúp khán giả xác định được chủ đề chính, thu hút sự chú ý của khán giả và tạo ra cho khán giả kỳ vọng về những nội dung tiếp theo. Bạn đã bao giờ thực sự nhận thức rằng tiêu đề bài thuyết trình có thể quan trọng đến vậy đối với một bài thuyết trình hay chưa? Sự thật là, tầm quan trọng ấy hoàn toàn có thể được chứng minh bằng cách vận dụng khoa học não bộ.
1. Vùng não nguyên thủy
Trong cuốn sách “100 điều mà mọi người thuyết trình cần biết về con người” của Susan Weinschenk, bà đã giải thích trong con người tồn tại vùng não nguyên thủy, và vùng não này chỉ quan tâm đến các yếu tố: thức ăn, tình dục và mối nguy hiểm. Phần não nguyên thủy phần lớn chỉ phản ứng lại với các nội dung giật gân.
Khi áp dụng điều này vào việc đặt tiêu đề cho slide, kiến thức về vùng não nguyên thủy có thể giúp người thuyết trình lựa chọn chủ đề bài nói. Điều này không có nghĩa là bạn phải lừa khán giả bằng cách giật tít một cách cường điều hóa. Điều đó chỉ khiến khán giả ít có lòng tin vào bạn hơn. Có nhiều cách hợp lý hơn mà vẫn hiệu quả để nhấn mạnh đến các vấn đề mà bộ não nguyên thủy quan tâm. Ví dụ, bạn đang phải chuẩn bị một bài thuyết trình về việc chạy bộ và việc chạy bộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào. Một tiêu đề có khả năng tác động tới vùng não nguyên thủy có thể đặt như sau: “Đồng hồ đếm ngược: Chạy nước rút về sức khỏe” (A ticking Clock: Running for your health”.
Khi bộ não nguyên thủy đọc tiêu đề này, nó sẽ nghĩ rằng: Ta có thể làm gì để có thêm thời gian? Ta muốn sống! Bằng cách thêm vào tiêu đề một màu sắc hơi tiêu cực, nhấn mạnh vào yếu tố nguy hiểm, chắc chắn “bộ não nguyên thủy” sẽ không thoát khỏi cái bẫy của bạn.
⇒ Xem thêm: 5 yếu tố cấu thành một tiêu đề hoàn hảo cho bài thuyết trình
2. Bộ não giữa
Trong khi bộ não nguyên thủy phản ứng với các nhu cầu và ham muốn cơ bản, bộ não giữa lại có chức năng phân tích các tín hiệu từ xã hội. Một công ty có tên Native Advertising đã soạn nên một danh sách gồm 1072 từ thể hiện bối cảnh giúp tăng sự hứng thú của khán giả đối với nội dung. Các từ này được chia thành 4 nhóm: sự thật ngầm hiểu, thời gian, không gian và chuyển động. Sau khi xác định mục đích bài thuyết trình và nhu cầu của khán giả, một người thuyết trình nên tận dụng đến danh sách này để xây dựng tiêu đề cho bài thuyết trình của mình. Theo như Native Advertising, các từ thuộc nhóm “sự thật ngầm hiểu” (như Liên quan tới, Khám phá, Suy nghĩ về, Những bí mật…) sẽ hướng tới hé lộ thêm thông tin và chi tiết; các từ thuộc nhóm thời gian (như Lịch sử, Hàng ngày, Nhanh chóng, Cập nhật…) sẽ thể hiện thông đặt trong một khoảng thời gian nhất định. Các từ thuộc nhóm không gian (như Bên trên, Vượt lên khỏi, Lớn nhất, Mọi nơi,…) và chuyển động (Xuất hiện, Thay thế, Xâm nhập, Tăng, Giảm…) hướng tới thể hiện kích cỡ, vị trí và sự chuyển động. Bên cạnh việc xử lý các cảm xúc nằm bên trong từ ngữ, vùng não giữa còn có khả năng đọc dữ liệu hình ảnh – đó có thể là biểu cảm mặt, ngôn ngữ cử chỉ, hoặc hình ảnh minh họa. Tức là, việc đặt tiêu đề cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cả thiết kế trang slide đầu tiên. Vùng não giữa sẽ ngay lập tức nhận diện các yếu tố thu hút sự chú ý và gợi cảm xúc trong một tiêu đề thuyết trình. Bởi vậy, người thuyết trình nên cân nhắc những điều này khi viết tiêu đề.
3. Vùng não mới
Cũng theo như Susan Weinschenk, vùng não mới sẽ cân nhắc một cách logic và lý trí về nội dung hoặc mục tiêu bài thuyết trình, từ đó xây dựng một góc nhìn tổng quan, ý niệm, hoặc quan điểm về yếu tố kích thích. Ngay khi thông tin cộng hưởng với vùng não mới, sẽ xuất hiện thêm các ý nghĩ và sự thận trọng. Phần não mới sẽ tiếp nhận các thông tin trên tiêu đề, phân tích, xử lý, đưa ra các kỳ vọng về việc bài thuyết trình sẽ tiếp diễn như thế nào. Việc khơi dậy sự tò mò của khán giả cũng là thông qua vùng não mới. Việc đưa những ẩn dụ dưới dạng hình ảnh (ví dụ như đưa hình mầm cây để thể hiện sự tăng trưởng) cũng do vùng não mới xử lý, khiến cho khán giả cảm nhận được sâu hơn, hứng thú cao hơn, và đánh giá cao thông điệp của bạn.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng mọi lời khuyên được đưa ra cho việc cải thiện bài thuyết trình (từ tiêu đề đến bố cục nội dung…) đều được dựa trên cơ sở khoa học. Hãy tận dụng thật tốt những nguyên lý này cho bài thuyết trình, bạn có thể chiến thắng ngay từ những phút đầu tiên.
Nguồn: Ethos3