Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng giá trị mà bất cứ ai cũng nên có. Qua bài viết này, SLIDE FACTORY gửi tới bạn từng bước luyện tập chi tiết đế sử dụng thành thạo kỹ năng này.
Bước 1: Xây dựng sự tự tin
Nếu bạn giống tôi, thuyết trình trước rất nhiều người khiến bạn không hề thoải mái, thì bài viết này là dành cho bạn. Ngược lại, nếu bạn là số lẻ may mắn, luôn tự tin trước đông người thì có thể nhảy cóc qua bước này. Đùa thôi, không hẳn vậy đâu.
Trước khi bạn có thể nói một cách tự tin trên sân khấu, bạn phải làm 3 việc:
- Học cách tin vào bản năng của mình.
- Chuyển tâm lý sợ thất bại sang tâm lý tích cực.
- Làm chủ nỗi sợ “giữ thể diện” trước mọi người.
Bước 2: Tin vào bản năng của bạn
Tôi luôn được dạy phải suy nghĩ trước khi nói. Đó là một lời khuyên đúng đắn, tuy nhiên, tôi nhanh chóng học được rằng thực hành lời khuyên này là một bất lợi ở chốn công sở.
Tôi thường dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những thứ định nói. Đến mức không bao giờ có cơ hội nói ra bất cứ điều gì. Tôi rời các buổi họp với một mớ những cảm xúc thất vọng, bởi chủ đề thảo luận thay đổi nhanh như chớp trước khi tôi có thể bật ra được một đề xuất. Khi đã quá lo lắng vì bị nhận xét là luôn im lặng trong quá trình làm việc, tôi quyết định phải tìm ra cách khiến bản thân được lắng nghe nhiều hơn. Tôi bắt đầu nói những gì mà mình suy nghĩ, ngay khi tôi nghĩ rằng mình có thể.
Từ đây, tôi nhận thấy mình cải thiện được nhanh chóng khả năng sắp xếp câu chữ của bản thân. Tôi bắt đầu ghi lại những quan điểm vào giấy, phòng trường hợp cuộc trao đổi chuyển chủ đề, và tôi có thể sẽ phải đưa ra những đề xuất cuối cùng. Khi đối thoại với người khác, tôi quan sát những tín hiệu giao tiếp, chú ý khi nào nên đến lượt nói của người đối diện, và sử dụng những tín hiệu đó khiến cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả hơn.
Bạn cũng hãy thử tin vào bản năng của bạn và thực hành nói chuyện một cách thẳng thắn với bạn bè ở nơi làm việc. Đừng quá chú tâm nghiền ngẫm trong đầu một điều hoàn hảo để nói. Lợi ích tuyệt vời của bài tập này là đồng nghiệp trong văn phòng sẽ có cái nhìn tốt hơn về bạn. Và bạn càng nói ra những gì mình suy nghĩ, bạn càng có nhiều người lắng nghe những gì bạn nói. Chỉ cần chắc chắn bạn có thể đem tới giá trị cho cuộc tranh luận, và đương nhiên, đừng quá lo lắng về việc phải tìm ra con đường tuyệt hảo để bắt đầu từ ngữ. Bạn luôn có thể giải thích ý kiến của mình cặn kẽ hơn, nếu mọi người chưa hiểu những gì bạn nói ở lần đầu tiên.
⇒ Bật mí cho bạn: 07 bí quyết thuyết trình thành công trước công chúng
Bước 3: Thoải mái với sự thất bại
Dường như mọi người luôn được dạy để tránh thất bại bằng bất cứ giá nào. Điều chúng ta thường không quan tâm là, thất bại giúp chúng ta học và cải thiện nhiều hơn.
Ví dụ nhé, tôi trượt một bài kiểm tra lần đầu tiên khi tôi mười lăm tuổi. Tồi tệ hơn đó lại là bài kiểm tra giữa kỳ. Cho đến lúc đó, tôi vẫn luôn là một học sinh giỏi với điểm trung bình trên 8.75. Tôi sợ ba mẹ sẽ phạt mình và có khi, tôi sẽ bị đuổi ra khỏi trường. Nhưng rốt cuộc, chẳng có điều gì xảy ra cả. Ba mẹ bảo với tôi rằng cuộc sống thực tế không giống như một bài kiểm tra và đúng, tôi nên làm tốt hơn ở lần tiếp theo, nhưng đó không phải là ngày tận cùng thế giới. Tôi đã học chăm chỉ ở kỳ học sau đó và qua được môn học kia. Và chưa từng có bất cứ ai làm việc cùng tôi tò mò về việc tôi trượt bài kiểm tra giữa kỳ đó. Tôi cũng chắc chắn sẽ chẳng ai buột miệng hỏi về nó.
Trong một hội nghị tôi từng tham gia, tôi nhìn thấy diễn giả nói với người nghe rằng ông không được khỏe trước khi bắt đầu buổi thuyết trình. Ông dừng lại vài chập để điều hòa nhịp thở trong suốt buổi nói, và khán giả vỗ tay mỗi lần như thế để cổ vũ sự quyết tâm và sức mạnh ý chí của ông. Cuối buổi nói chuyện, khán giả nồng nhiệt cảm ơn ông vì đã truyền tải một bài thuyết trình thú vị trong tình trạng sức khỏe như vậy. Ở đây, tôi không nói là bạn phải bước ra sân khấu khi bạn đang ốm (thực tình đừng làm thế nhé). Điều quan trọng là khán giả của bạn muốn bạn có một bài nói thành công và họ trân trọng sự thành thật của bạn – cho dù là bạn đang ốm, hoặc sự thật bạn không phải là một người nói giỏi.
Trong trường hợp bạn mắc lỗi trong khi nói, đừng dừng lại tại đó quá lâu. Sửa nó nhanh chóng và tiếp tục bài nói, ngay cả khi bạn muốn cười vào mặt mình, hoặc muốn tự thú về trường hợp của bạn. Ví dụ, khi tôi bắt đầu diễn thuyết, tôi thường yêu cầu mọi người vẫy tay nếu họ muốn nghe tôi nói to hơn. Còn nếu tôi mệt, tôi thành thực trước rằng họ đừng ngạc nhiên nhé, nếu tôi không trình bày trôi chảy như bình thường.
⇒ Tham khảo nhanh: Những cách kể chuyện trong thuyết trình
Bước 4: Bớt quan tâm tới những gì người khác nghĩ
Nhiều người chú tâm vào đánh giá của người khác hơn thông điệp mà họ đang truyền tải. Nếu bạn bận rộn lo lắng tới việc bạn bị nhìn nhận như thế nào thay vì câu chữ mà bạn nói, bạn sẽ trở nên thiếu tự tin và mắc phải nhiều lỗi hơn. Hãy nhớ tập trung vào bản thân bạn – điều bạn đang muốn nói, và điều làm bạn thấy thỏa mãn.
Bài học này mở rộng cho nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Chẳng hạn tôi thường hay lo lắng về chuyện mọi người nghĩ sao về quần áo mình mặc. Để thay đổi, tôi bắt đầu tập trung vào hình ảnh bản thân mà mình mong muốn và những bộ đồ có thể làm tôi hạnh phúc. Thế rồi nhiều người bắt đầu khen ngợi tôi và nói rằng họ ngưỡng mộ cách tôi lựa quần áo. Điều này khiến tôi nhận ra việc tập trung vào những nhu cầu cá nhân giúp tôi trở nên tự tin hơn, và mọi người dần chú ý tới điều đó.
Thay vì nói những gì bạn nghĩ rằng mọi người muốn nghe, hãy chia sẻ những gì mà bạn muốn được nghe. Điều này không có nghĩa là bạn nên dừng việc quan tâm tới cảm nhận của người khác. Bạn hoàn toàn có thể đạt được sự tự tin và tôn trọng đồng thời. Nhớ đừng vượt quá đường biên và biến nó thành một trò đùa giật gân nhé, những nhà thuyết trình non trẻ!
⇒ Xem thêm: 05 bí kíp giúp bạn thuyết trình ấn tượng như Donald Trump
SLIDE FACTORY tổng hợp
Nguồn: How to become a public speaker in 1 year – Step 1: Build confidence
- Thành thạo kỹ năng thuyết trình trong vòng 1 năm - 06/11/2018
- Biểu diễn dữ liệu trực quan: Cách dùng Pivot Table Excel - 19/06/2018
- Thuyết trình sáng tạo và cảm hứng với icon cho Powerpoint - 13/06/2018
Hay lắm, đúng cái mình cần. Cảm ơn bạn nhé!